“Khi trở nên kích động, thì chỉ cần một chuyện nhỏ nhặt nhất thôi cũng có thể đẩy con người ta xuống vực thẳm.”
Đây là một câu nói thấm đẫm triết lý trong “Người lạ trên tàu” – một lời phản biện mà Charles Bruno dành cho Guy Haines khi tranh cãi về việc trong cuộc đời sẽ có ít nhất một kẻ nào đó mà ta thực lòng muốn thủ tiêu để thấy hạnh phúc hơn.
Quyển “Người lạ trên tàu” dường như đã bị người ta lãng quên bởi sự thành công của bộ phim chuyển thể. Sự xuất sắc của đạo diễn Alfred Hitchcock khi chuyển thể ít nhiều đã làm lu mờ đi tác phẩm gốc của Patricia Highsmith đến nỗi mà người không nghĩ đây là tựa của một quyển sách nữa. Thực lòng thì cuốn sách cực kỳ hay và bộ phim cũng thế nên tôi thích cả hai phiên bản này. Tôi nghĩ bạn cũng thử xem cả phim và sách để có cái nhìn đối chiếu hoàn thiện hơn.
“Người lạ trên tàu” là câu chuyện về Guy Haines một anh chàng kiến trúc sư tài hoa và nhà xã hội học giàu có Charles Bruno. Hai người gặp nhau trên một chuyến tàu khi Guy đang về nhà để yêu cầu vợ là Miriam ly hôn để anh ta có thể kết hôn với Anne Morton – một người ăn chơi, giàu có và tự cho mình là trung tâm của vũ trụ. Trước đó, Miriam đã từng đồng ý ly hôn, nhưng lần này Guy có căn cứ để cho rằng Miriam đang mang thai và Guy tin chắc chắn rằng anh không phải là cha. Tuy nhiên, trong lòng Guy vô cùng băn khoăn về việc ấy và nghĩ rằng cô vợ sẽ gây ra nhiều rắc rối để làm chậm trễ tiến trình ly hôn. Những nỗi lòng ấy được tâm sự với Bruno và một kế hoạch kỳ quái đã được đề ra. Nếu Guy đồng ý giết cha của Bruno thì anh ta sẽ giết Miriam dùm Guy. Sở dĩ Bruno đưa ra lời đề nghị kinh dị này bởi vì đối với anh ta thì người bố ấy là nguồn gốc của mọi sự khốn khổ trong cuộc sống của anh ta. Kế hoạch này dường như có lợi cho cả hai bên vì một kẻ tiêu diệt được người thân đáng ghét còn một kẻ sẽ tiếp tục thuận lợi trong con đường hôn nhân. Tuy nhiên, Guy không phải là một kẻ giết người máu lạnh và khi nghe được lời đề nghị đó, anh chàng đã bị sốc vô cùng và ngay lập tức gạt bỏ ý tưởng điên rồ ấy rồi xuống tàu với quyết định sẽ không bao giờ gặp lại con người kia. Nhưng mọi chuyện không hề êm đẹp như ước muốn của Guy bởi không lâu sau đó, Miriam bị giết và nghiễm nhiên là Guy biết ai là kẻ thủ ác. Tự nhiên Guy bị cuốn vào trò chơi giết người ấy dù không hề mong muốn.
Kịch bản “mèo vờn chuột” luôn được tận dụng hoàn hảo trong các tác phẩm của Highsmith và “Người lạ trên tàu” cũng không ngoại lệ. Những sự tuyệt vọng của Guy khi cố thoát khỏi trò chơi của Bruno đã mang lại sự kịch tính cho truyện. Một Bruno loạn trí và một Guy mâu thuẫn trong nội tâm cùng chơi một “game thú vị”.
Mạch truyện sau đó cho thấy không hề có yếu tố lãng mạn trong “Người lạ trên tàu”. Anne Morton là kiểu phụ nữ muốn tạo ra một vỏ bọc hôn nhân hoàn hảo cho bản thân, và dường như cô ta chỉ cần biết bản thân có chút thích anh chàng đó và không mấy quan tâm việc người đàn ông ấy có yêu mình hay không. Guy, may mắn thay, lại là người rất yêu Anne. Anh ấy có tầm nhìn về sự nghiệp của mình và biết cha của Anne có ảnh hưởng lớn đối với sự thành bại trong tương lai. Nhưng, nếu Guy dính líu đến vụ giết Miriam, thì anh ta chỉ có thể nói lời tạm biệt với Anne và những khao khát về nghề nghiệp.
Trong khi mối quan hệ giữa Guy và Anne không phải là điều gì quá thú vị thì mối quan hệ giữa Guy và Bruno ngày càng trở nên phức tạp và mơ hồ. Bruno rõ ràng có rất nhiều vấn đề và những vấn đề này cũng mở rộng sang lĩnh vực tình dục. Một người đàn ông quá loạn trí khi tham gia vào bất cứ điều gì lành mạnh và mối quan hệ kỳ lạ của anh ta với cha mẹ, đặc biệt là với mẹ anh ta, ngăn cản anh ta phát triển mối quan hệ dị tính hoặc đồng tính trong quá khứ. Tuy nhiên, sự tiến triển trong mối quan hệ giữa Guy và Bruno rất hấp dẫn, đặc biệt là khi chúng ta chứng kiến sự suy đồi về tình cảm và đạo đức của Guy. Một số người có thể xem anh ta như một nạn nhân nhưng tôi thì không vì Guy hoàn toàn tỉnh táo, và anh ta đủ nhận thức để phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Những câu văn trong “Người lạ trên tàu” mang lại cho tôi cảm giác vô cùng căng thẳng và hồi hộp, đôi khi không thể để đặt cuốn sách xuống ngay cả khi ngủ. Cảnh mà Bruno giết Miriam đặc biệt hồi hộp, và mặc dù tôi biết những gì sắp xảy ra, nhưng tôi thực sự không kịp chuẩn bị tinh thần cho tình cảnh đó. Đây là một cuốn sách miêu tả nội tâm nhân vật cực hay và phần lớn sự hồi hộp diễn ra trong tâm trí của Guy và Bruno. Highsmith khiến tôi hồi hộp và cắn móng tay vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cả.
Với cách miêu tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng chi tiết giằng xé nội tâm của hai nhân vật, từ những ngôn ngữ, cử chỉ, hành động cho đến những suy nghĩ điên rồ bệnh hoạn của Bruno; từ những đau đớn tột cùng của Guy khi bị Bruno chi phối, làm ảnh hưởng trầm trọng đến gia đình, tình yêu, sự nghiệp của Guy, cái cách mà Guy khốn khổ, vật vã khi không thể thoát ra khỏi sự bủa vây của Bruno trong tâm trí cũng như cuộc sống… đối với nhiều độc giả ưa thích motif nhanh, cuốn, không quá chuyên sâu vào việc lột tả tâm lý nhân vật, ưa thích những đòn cân não, những vụ án máu me, những suy luận sắc bén, hoặc đơn giản là không thích những cốt truyện mà tác giả tiết lộ hung thủ ngay từ đầu, có thể sẽ cảm thấy nó là lê thê, rệu rã, mất kiên nhẫn, là không đúng với gu của mình. Nó là quá trình hình thành nên cái bản ngã độc ác của một con người, nó từ lương thiện, hiền lành, khi gặp đúng hoàn cảnh thích hợp, nó sẽ tha hóa, biến chất, trở thành một tên sát nhân qua ngòi bút tỉ mỉ, đôi khi pha chút hóm hỉnh, những ví von hài hước nhưng cũng không kém phần mỉa mai, nhạo báng của Patricia Highsmith.
“Cái ác ghê gớm nhất bắt nguồn từ chính chúng ta – Jean Jacques Rousseau”.
Đọc “Người lạ trên tàu” – một tác phẩm xuất sắc của Patricia Highsmith để có câu trả lời cho bạn nhé.